Lí luận văn học | Mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống

Ngày 31/05/2022 09:56:56, lượt xem: 55270

Ngay từ thời cổ đại, trong buổi đầu hình thành của văn học, người ta đã nhận thức được rằng văn học phải dựa vào đời sống xã hội. Ta biến đến “thuyết mô phỏng” kinh điển. Mô phỏng (imitation) ban đầu là chỉ những ca vũ của thầy mo trong hoạt động tế lễ, sau chuyển từ thuật ngữ tế lễ sang thuật ngữ triết học, biểu thị sự tái tạo hoặc phục chế thế giới bên ngoài, “thuyết mô phỏng” chính là nhấn mạnh đời sống là cơ sở của sáng tác nghệ thuật trên ý nghĩa này. Nhà triết học Hi Lạp, La Mã cổ đại Hêraclit cho rằng, đặc điểm của nghệ thuật là ở chỗ hài hoà, song hài hoà “hiển nhiên là do mô phỏng tự nhiên”.

 

 

1. “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực” - Grandi

Ngay từ thời cổ đại, trong buổi đầu hình thành của văn học, người ta đã nhận thức được rằng văn học phải dựa vào đời sống xã hội. Ta biến đến “thuyết mô phỏng” kinh điển. Mô phỏng (imitation) ban đầu là chỉ những ca vũ của thầy mo trong hoạt động tế lễ, sau chuyển từ thuật ngữ tế lễ sang thuật ngữ triết học, biểu thị sự tái tạo hoặc phục chế thế giới bên ngoài, “thuyết mô phỏng” chính là nhấn mạnh đời sống là cơ sở của sáng tác nghệ thuật trên ý nghĩa này. Nhà triết học Hi Lạp, La Mã cổ đại Hêraclit cho rằng, đặc điểm của nghệ thuật là ở chỗ hài hoà, song hài hoà “hiển nhiên là do mô phỏng tự nhiên”. Đêmocrit coi mô phỏng là căn nguyên phát sinh nghệ thuật, ông nói: “Trong rất nhiều sự việc quan trọng, chúng ta mô phỏng loài cầm thú, là đồ đệ của loài cầm thú. Từ con nhện chúng ta học được cách xe chỉ luồn kim, từ chim yến học được cách làm nhà; từ những loài chim biết hót như thiên nga và vàng anh mà học được cách ca hát”.
Quan điểm đơn giản, phiến diện về mô phỏng này của những người thời trước đã được diễn giải tường tận hơn, hệ thống hơn trong “Thi học” của Aristote. Aristotle đề xuất, mô phỏng là bản chất của nghệ thuật, tất cả các nghệ thuật đều là sản phẩm của sự mô phỏng, hơn nữa nhấn mạnh mỗi nghệ thuật khác nhau có những đặc điểm riêng về đối tượng, phương thức và phương tiện mô phỏng. Ông nói: “Việc biên soạn sử thi, việc sáng tác bi kịch, hài kịch cùng với tuyệt đại bộ phận âm nhạc gongaluaqi và shuqin, tóm lại tất cả những cái này đều là mô phỏng. Sự khác biệt của chúng là ở ba điểm, sử dụng những phương tiện khác nhau, đối tượng khác nhau, phương thức khác nhau trong mô phỏng”. Aristotle cho rằng, đối tượng mô phỏng của sử thi và kịch là người, là “hành động và cuộc sống” của con người. Hiển nhiên, so với thuyết thiên về mô phỏng tự nhiên của những người thời trước, ông chú ý hơn tới mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội. Mô phỏng theo Aristote hoàn toàn không phải là chỉ sự miêu tả trực tiếp đời sống hiện thực, mà ngược lại, ông lại cho rằng cái mà nghệ thuật miêu tả phải là những sự việc có thể xảy ra chứ không phải là sự việc đã xảy ra. Ông nói: “Yêu cầu của thơ, một sự việc không thể xảy ra song lại có thể tin được, so với một sự việc có thể xảy ra song lại không thể tin được thì còn khả thủ hơn”. Từ đó có thể thấy, cái mà Aristotle gọi là mô phỏng chính là mối quan hệ cơ bản giữa nghệ thuật và đời sống, ông hoàn toàn không loại trừ tác dụng của tưởng tượng và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật.
Vì thế mà sau này Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó. Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực baọ giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Những tác phẩm kinh điển bao giờ chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống.
Lê Quý Đôn từng nói: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được” chính là khẳng định vai trò của hiện thực cuộc sống đối với thơ nói riêng vả văn học nói chung. Nếu văn chương tách rời khỏi dòng chảy cuộc đời sẽ không thể vươn tới giá trị đích thực của nó, không còn là nghệ thuật vị nhân sinh được nữa. Chế Lan Viên đã từng thấm thía vấn đề này:
“Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”
Văn chương của người nghệ sĩ sẽ có gì nếu nó không mang dáng dấp cuộc đời? Có chăng chỉ là những dòng chữ rời rạc bị bẻ vụn mà thôi. Song có phải người nghệ sĩ phản ánh toàn bộ những biến đổi, những sự việc của nhân tình thế thái vào tác phẩm thì tác phẩm sẽ trở thành kiệt tác? Thành tác phẩm chân chính giữa cuộc đời? Không phải như vậy. Bởi theo Tề Bạch Thạch: “Nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời”. Nghệ thuật thường vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Cùng viết về con người những năm 1930 – 1945, ta gặp biết bao dáng cấy, dáng cày nhọc nhằn vất vả. Nhưng đọc “Chí Phèo” của Nam Cao, người đọc bao đời vẫn dâng lên cảm xúc đau đớn, xót xa trước sự quằn quại, quẫy đạp của con người trước Cách mạng tháng Tám khi họ buộc phải lựa chọn giữa hai con đường: sống thì phải làm quỷ, không muốn làm quỷ thì phải chết. Chí Phèo đã chết giữa ngưỡng cửa trở về với cuộc đời lương thiện để giữ lấy nhân cách cho bản thân. Còn với “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, người đọc lại cảm thương trước cuộc sống mỏi mòn, leo lét của hai đứa trẻ cùng những con người nơi ga xếp phố huyện sắp bị lãng quên, họ đang âm thầm tiến đến cái “chết” ngay khi còn sống, họ đang “sống mòn, chết mòn”. Bằng tài năng của mình, Nam Cao và Thạch Lam đã chứng minh cho quy luật: “Nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại của người khác cũng như lặp lại chính bản thân mình, không chấp nhận sự sao chép đời sống” bởi lẽ “Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải là chụp ảnh sao chép hiện thực một cách thời hợt nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động, giản đơn. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của quá trình nuôi dưỡng cảm hứng thai nghén sáng tạo ra một thế giới hấp dẫn sinh động, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, bản chất của đời sống xã hội con người. Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thật sự nhiều khi thật hơn cả con người ngoài đời, bởi chính sức sống lâu bền bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật ta thấy cả một tầng lớp một giai cấp một thời đại thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại có ý nghĩa nhân loại vĩnh cửu sống mãi với thời gian. (Sóng Hồng)

 

ĐỌC THÊM DÀN Ý PHÂN TÍCH 4 TRÍCH ĐOẠN TRỌNG TÂM TRONG "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" HAY NHẤT (PHẦN 1)


2. Hiện thực được phản ánh trong “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu

Đọc Chiếc thuyền ngoài xa, ta thấy vấn đề xã hội mà nó phản ánh. Hình như toàn một gam màu xám. Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! Cuộc sống bấp bênh, khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình: chồng đánh đập vợ tàn nhẫn, con đánh bố, thậm chí còn có ý định giết bố; sự bất lực của công lí, pháp luật và cả đạo đức, nguy hiểm hơn là tình trạng bế tắc, không lối thoát…
Bức tranh hiện thực kém phần tươi sáng này là kết quả của một sự quan sát, chiêm nghiệm về đời sống của một nhà văn “mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người”. Tình yêu ấy, với ông “vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình”. Nguyễn Minh Châu đã nhìn sâu vào hiện thực, xuyên qua màn sương mờ ảo, đẹp đẽ, mộng và thơ để nhìn ra cái thực, không ảo, không thơ, “phát giác sự vật ở cái bề chưa thấy, ở cái bề sau ở cái bề sâu ở cái bề xa” (Chế Lan Viên). Quan niệm về hiện thực phức tạp, đa diện, về cuộc đời đa đoan đa sự là quan niệm rất đáng chú ý của nhà văn ở thời điểm đó. Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra, đang là sự tương tác giữa những cái có lí và phi lí, những tất yếu và ngẫu nhiên. Bao nhiêu nghịch lí đời sống đã được phơi bày trong truyện ngắn của ông.
Cuộc sống trên mặt đất và cuộc sống trên sông nước; bình yên và bão tố; nơi có cơm ăn áo mặc và nơi chỉ có xương rồng chấm muối; nơi có công lí, pháp luật điều hành và nơi chỉ có luật lệ của tự nhiên, của sông nước; một người trưởng phòng thông minh muốn có tờ lịch tĩnh vật hoàn toàn nhưng thực tế thì hình ảnh con người lại không thể tước bỏ; một nghệ sĩ săn được một cảnh biển và thuyền đẹp toàn bích thì chính từ đó lại hiện ra một cảnh tượng vô cũng xấu xí, đằng sau cái đẹp mơ mộng thi vị là những nhọc nhằn, đau thương của kiếp người; người đàn bà xấu xí lại là mẹ của một cô gái xinh đẹp; người nghệ sĩ chuyên sáng tạo nghệ thuật lại có nắm đấm rắn sắt ra trò đối với gã đàn ông vũ phu; người đàn bà bị chồng đánh đập hành hạ vô lí nhưng không muốn từ bỏ ông ta, người là nạn nhân lại luôn nghĩ mình là tội nhân, là nguyên nhân gây ra đau khổ (cái lỗi chính là đám đàn bà trên thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật); đứa con muốn bảo vệ mẹ thì lại trở thành đứa con bất hiếu; người mẹ muốn bảo vệ con, thương yêu con nhất mực thì lại trở thành nỗi đau, nỗi lo âu khắc khoải của đứa con; cái đẹp hiện hình ngay trong những nhọc nhằn thô kệch; những người nhân danh công lí, tình thương, muốn đem lại công bằng cho những kiếp nạn đau khổ lại chính là những người được giáo hoá bởi những lí lẽ của cuộc đời phàm trần. Từ đây, họ mới vỡ lẽ ra những chân lí tưởng chừng là nghịch lí của đời sống: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Là bởi các chú ko phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một cái thuyền không có đàn ông... cũng có khi biển động sóng gió chứ... đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ ko thể sống cho mình như ở trên đất được”. Cái lí lẽ của người đàn bà từng trải khiến cho những người như Phùng, như Đẩu từ bỏ cái nhìn duy lí về cuộc đời và con người, từ bỏ những ảo tưởng về sự thay đổi dễ dàng cuộc sống của người dân khi được cách mạng giải phóng (không phải cứ bỏ chồng thì cuộc đời người đàn bà sẽ sáng sủa hơn: “Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu! Các chú đừng bắt tôi bỏ nó!”. Cái nghịch lí lớn nhất là: chúng ta có độc lập tự do nhưng chưa có đủ hạnh phúc cho con người. Chừng nào, con người còn phải chật vật vì miếng cơm manh áo, chừng nào vấn đề về cái đói và miếng ăn còn là mối lo lắng hàng đầu; chừng ấy, cái đẹp và những giá trị nhân văn còn có nguy cơ bị suy kiệt. Nhà văn viết về hiện trạng ấy với một mối lo âu và hoài nghi nặng trĩu: chúng ta giải quyết nỗi lo âu ấy chỉ bằng thiện chí thì bao giờ những số phận bi kịch ấy mới tìm được lối thoát? Liệu rồi đây, thằng Phác có trở thành một người đàn ông như bố nó, chị nó có trở thành một người phụ nữ như mẹ nó, nhà nhiếp ảnh có phải quăng đi máy ảnh? Niềm vui bé mọn, ngỡ như tầm thường của người đàn bà (vui khi nhìn đàn con được ăn no) mới xót xa làm sao! Câu chuyện kết thúc bằng sự vỡ lẽ, giác ngộ của Phùng và Đẩu (sau khi nói chuyện với người đàn bà), và cũng chỉ dừng ở đó. Chiều hôm ấy, Đẩu lại kiên trì và thiện chí, đi gặp lão chồng bà ta để giáo dục răn dạy lão. Có lẽ, Đẩu cũng không làm gì hơn thế được. Những người tốt như Phùng, như Đẩu không thể giúp cho người đàn bà kia và nhiều người đàn bà khác được sống tốt hơn. Phùng còn bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh người đàn bà như đang bước ra khỏi tấm ảnh, “Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông”. Bà ta lại chìm lẫn trong cái đám đông khốn khó, nheo nhóc, như chẳng thể nào khác được. Muốn cho người ta sống cho ra con người, phải tạo ra cho họ một hoàn cảnh sống nhân đạo hơn. Tư tưởng này, Nam Cao đã trình bày từ rất sớm. Nguyễn Đình Thi cũng có lần nói: Thế nào là một xã hội nhân đạo? Một xã hội nhân đạo là một xã hội làm cho con người ta không còn đói nữa, bởi khi đói, con người nó sẽ nhe răng ra cả với nhau. Một cá nhân không thể làm được điều này. Đó là trách nhiệm của cả xã hội. Đấy cũng không chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua mà còn là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, cũng không phải chỉ trên dải đất này. Nguyễn Minh Châu có lần viết: khi bước ra khỏi một cuộc chiến tranh, con người ta cũng phải có đầy đủ nghị lực và bản lĩnh như khi bước vào một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù để giành lại độc lập tự do đã kết thúc, nhưng cuộc chiến với đói nghèo, bạo lực và tăm tối thì vẫn đang tiếp tục với rất nhiều gian khó.
Tài liệu tham khảo
1. Lí luận văn học, Lưu An Hải, Tôn Văn Hiến (Tài liệu giảng dạy ưu tú dành cho các trường đại học và cao đẳng trên toàn đất nước Trung Quốc)
2. Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh THPT qua dạy học truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

Chuyên môn sưu tầm và biên soạn

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan